Tranh Salvador Dali

XIN CHÀO CÁC BẠN ĐẾN VỚI BLOG PHẠM HỮU HOÀNG

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

NGƯỜI CHA THẢM HẠI




                                                                                                 

       Hạ và tôi quen nhau rất tình cờ. Tôi tổ chức một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật ở Nhà văn hóa trung tâm thị xã. Gần bốn giờ chiều buổi triển lãm cuối, người xem đã hết, tôi loay hoay thu xếp đồ đạc chuẩn bị ra về thì bất ngờ một đôi nam nữ ghé vào. Chàng trai đó là Hạ. Cô gái tên Quỳnh Như, bạn gái của anh. Cả hai tíu tít bên nhau. Hạ dẫn Quỳnh Như đến nhìn từng bức ảnh. Có tấm anh lướt qua. Có tấm, anh dừng lại, ngắm nghía, bình phẩm. Quỳnh Như chăm chú nghe, thỉnh thoảng gật đầu tán đồng. Tôi lặng lẽ quan sát. Hạ tóc cắt ngắn chững chạc, nai nịt gọn gàng. Quỳnh Như đẹp tự nhiên, không phấn son, cười duyên dáng với hai cái lúm đồng tiền trên má. Mái tóc đen dài buông xõa ngang lưng, vài lọn tóc lòa xòa trên vầng trán trắng mịn. Kiểu tóc quen thuộc của các cô gái ở thập niên tám mươi của thế kỉ trước… Xem xong một lượt, cả hai tới chỗ tôi, Hạ khẽ hỏi:
- Anh là tác giả của những tấm ảnh trưng bày trong phòng triển lãm này?
- Đúng vậy. Tôi gật đầu.
Tôi mời cả hai ngồi ghế đối diện, cầm bình trà rót vào mấy cái tách bằng sứ để sẵn trên bàn.
- Mời hai bạn dùng nước trà.
Quỳnh Như nhỏ nhẹ:
- Dạ, cảm ơn anh.
Hạ lên tiếng:
- Những khoảnh khắc cảnh vật, con người anh chộp được trong các tấm ảnh đều thể hiện một chủ đề riêng rất ấn tượng. Nhưng…
Hạ ngập ngừng như có điều khó nói. Suốt mấy ngày triển lãm, tôi nhận được toàn là những lời khen, những lẵng hoa tươi cùng lời chúc tụng của bạn bè, đồng nghiệp. Những lời nói lặp đi lặp lại, đôi lúc mòn sáo, có khi chẳng ăn nhập gì tới chuyên môn. Nghe riết thành quen. Tôi hờ hững đón nhận cùng với cái bắt tay chiếu lệ. Câu nói bỏ dở của Hạ tạo cho tôi sự tò mò. Anh muốn góp ý những tấm ảnh của tôi chăng? Tôi cười khích lệ:
- Tôi rất muốn nghe ý kiến của anh.
Và Hạ nói, chậm rãi, rõ ràng. Tôi đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Anh nói về ánh sáng, màu sắc, bố cục, về cái thần một số tấm ảnh… Càng nói, Hạ càng thể hiện sự am hiểu tinh tường như anh là người trong nghề vậy. Những điểm tôi chưa đồng ý, anh phản biện rất có lý. Quỳnh Như vẫn ngồi im bên Hạ. Cô một nửa nghe còn một nửa đang nghĩ ngợi về điều gì đó…
Cuộc trò chuyện với Hạ hết sức thú vị. Tôi lưu số điện thoại của anh. Lúc tiễn anh và Quỳnh Như ra về, tôi nắm tay anh thật chặt

Về sau, tôi mới biết Hạ đã tốt nghiệp trường Đại học nghệ thuật Huế ngành hội họa. Thảo nào, anh nhận xét ảnh của tôi sâu sắc đến thế. Hạ hai mươi lăm, kém tôi bảy tuổi. Dần dần, chúng tôi thân thiết với nhau. Khi thì anh đem bức tranh mới vẽ đến cho tôi góp ý. Khi thì anh chở tôi trên chiếc xe máy cà tàng lặn lội tới những nơi tôi cần để chụp ảnh. Rảnh việc, gọi nhau ra quán cà phê quen thuộc ở ngoại ô thị xã, nhâm nhi li cà phê đắng mà nói chuyện bao đồng… Tối hôm đó, Hạ bất ngờ đội mưa đến nhà tôi. Trông bộ dạng thiểu não của anh tôi chắc là đã xảy ra chuyện không hay. Ngồi chưa ấm chỗ, Hạ nói ngay:
- Em và Quỳnh Như chia tay rồi!
- Sao lại đến mức như vậy? Tôi hỏi.
- Không đến được với nhau, gieo neo chỉ làm khổ thêm mà thôi.
Hạ chậm rãi kể cho tôi nghe mối tình anh và Quỳnh Như, những trắc trở không thể vượt qua. Nghe xong câu chuyện, tôi không biết làm thế nào để chia sẻ với anh, chỉ biết im lặng mà ái ngại cho anh… Hạ ngồi thêm một lát nữa, nói vài câu bâng quơ chẳng ăn nhập vào đâu rồi đột ngột đứng dậy chào tôi ra về. Anh đi ra cửa, bước xuống cầu thang. Tiếng giày lộp cộp trên bậc cấp bằng gỗ. Tôi ra ban công. Mưa vẫn rơi. Cơn mưa dài lê thê. Không gian ẩm ướt, mùi hơi nước lạnh lẽo. Dưới ánh sáng vàng vọt từ những ngọn đèn đường, bóng Hạ lầm lũi đi trên vỉa hè rồi khuất sau khúc quanh. Tôi trở vào, gieo mình xuống chiếc ghế nệm dài, gối đầu lên thành ghế mà nghĩ ngợi…

Hạ và Quỳnh Như quen nhau đã lâu. Quỳnh Như học xong trường Cao đẳng Tài chính kế toán. Cảnh nhà neo đơn, cô không tìm việc làm mà về trông coi cửa hàng tạp hóa của gia đình nằm ở mặt tiền con đường trung tâm thị xã. Nhà Quỳnh Như khá giả, thuộc hàng gốc gác bề thế. Ba cô là người nệ cổ, coi trọng lối sống gia đình mẫu mực, nền nếp, lễ nghi thời xưa. Trong các lễ hội dân gian, cưới xin…, ông đến dự, đầu đội khăn đóng, mình diện chiếc áo dài thâm thẳng nếp. Ông rất gia trưởng. Vợ con trong nhà nghe theo ông một phép, không dám trái ý. Bởi thế, bà con xóm làng xầm xì, dị nghị, lời ấy tới tai ông:
- Ông ta biết bây giờ là thời nào không? Cuộc sống có như thưở trước đâu. Cổ hủ vừa vừa thôi chớ. Trên bảo dưới vâng nhưng dưới nói đúng thì trên cũng phải lắng nghe. Bọn trẻ bây giờ nhiều đứa giỏi ra phết đấy.
Người mạnh miệng thì nói thẳng:
- Ông nghĩ kĩ mà coi. Thế giới bây giờ rộng lớn lắm, không chật chội như trong cái đầu ông. Thì đấy, chuyện trời đất đâu đâu, chỉ cần Enter một cái là hiện ra rõ ràng trước mắt. Ông sống thoáng lên cho vợ con nó nhờ.
Nghe thì cứ nghe, ông không tranh cãi, nhưng cũng không thay đổi cách sống của mình. Biết rõ như thế, khi cùng Quỳnh Như tính chuyện hôn nhân, việc tất yếu phải đến, Hạ tỏ ra ngần ngại. Anh lần lựa mãi. Nhưng, cũng không còn cách nào khác, cũng đành phải mạo muội một phen.
Ba Quỳnh Như ngồi nghiêm nghị, lạnh lùng trước mặt Hạ. Vợ ông ngồi bên cạnh như pho tượng. Chờ Hạ nói xong, ông trả lời rành rọt:
- Tôi đã nghe con Quỳnh Như nhà tôi thưa chuyện. Tôi cũng muốn gặp anh để ba mặt một lời. Con gái tôi chưa phải là cành vàng, lá ngọc để kén nơi chức trọng quyền cao, nhưng không đến nỗi thấp hèn để về làm con dâu hầu hạ cho kẻ nát rượu be bét như cha anh. Tôi không thể gả con gái tôi cho anh được. Từ nay, tôi muốn anh phải chấm dứt mối quan hệ với nó. Anh đừng bao giờ bước chân đến nhà tôi nữa.
Nói xong mấy câu, không đợi Hạ trả lời, ông đứng dậy đi vào nhà trong. Chờ chồng khuất sau cánh cửa, má Quỳnh Như ái ngại nhìn Hạ:
- Tính ổng thẳng thắn, nói cái gì thì dứt dạt cái đó, không ai lay chuyển được. Thôi, cháu quên con Quỳnh Như đi.
Hạ đi qua cánh cổng sắt nhà Quỳnh Như với tâm trạng nặng nề. Anh có cảm giác từ một góc khuất nào đó, cô buồn rầu dõi theo anh. Lòng Hạ quặn thắt… Cũng chỉ vì ba của anh. Kẻ nát rượu. Không riêng gì ba Quỳnh Như, những người quen biết ở cái thị xã này đều nhìn ba anh bằng con mắt coi thường. Hạ rất khổ tâm về điều đó. Nhưng biết làm sao được…
Nhà Hạ nằm sâu trong con hẻm nhỏ. Một ngôi nhà mái ngói ba gian cũ kĩ. Cả ba gian đều hướng mặt ra cái sân nhỏ phía trước. Gian trên để thờ phụng, mé bên phải kê một cái phản gỗ để ba anh nghỉ ngơi. Gian giữa là phòng khách. Gian cuối là phòng riêng của Hạ. Khi Hạ mới lên mười, má anh bị bệnh mất. Trong nhà chỉ có hai cha con. Ba anh làm nghề đạp xe ba gác mướn. Ông mắc chứng nghiện rượu. Như đã thành thói quen, ngày nào cũng vậy, sáng sớm đạp xe ra khỏi nhà, gần tối mới về, lúc về thường say xỉn, mắt lừ đừ, ngật ngưỡng trên yên xe. Ông lóng ngóng đạp xe vào góc sân, rồi khó nhọc bước xuống, chân nam đá chân chiêu loạng choạng đi vào nhà, vừa đi vừa vung tay hát một câu cải lương trong vỡ “Giọt máu chung tình” thịnh hành những năm 70 của thế kỷ trước, lời hát vấp váp: “Biên cương lá rơi… em… Thu Hà em ơi. Đường dài... hức... mịt mù em không… hức… đến nơi…” Không ít lần, ông say khướt tới mức bạn nhậu chở về, Hạ ra đỡ. Ông gạt tay anh ra, miệng cười méo xệch: “Ba đi được”. Nhưng chân bước không nổi, ông quờ quạng bò lên bậc cửa, vào trong nhà, ông lăn quay ra nền xi măng nằm queo mà ngủ...
Uống rượu và nói khoác là hai người bạn đồng hành với nhau. Khi rượu vào đến độ rần, ông bắt đầu huyên thuyên. Có chuyện ông thêm thắt vào. Có chuyện ông tưởng tượng ra. Ông nói khoác không vì mục đích đề cao mình. Và cũng không nhằm vào cái gì cả. Chẳng qua là ông thích nói như thế. Tật nói khoác làm người nghe khó chịu. Bạn nhậu châm chọc. Mặc. Người nghe xấu tính cáu gắt. Ông cười. Cũng chính vì tật nói khoác đó, mọi người càng đàm tiếu về ông hơn các bợm rượu khác… Ngay từ lúc còn học tiểu học, có lần, Hạ khóc sướt mướt khi mấy đứa bạn học cùng lớp giễu cợt. Chúng nhăn mặt, nhíu mày, uốn mình, múa máy chân tay, nhại giọng diễn tả điệu bộ ba anh chúng gặp tình cờ gặp tại một hàng rượu vỉa hè. Khi đã đủ hiểu biết, chờ ba anh tỉnh rượu, Hạ tỉ tê trò chuyện khuyên nhủ hết lời… Nghe Hạ nói, ông im lặng, trầm ngâm, nét mặt tư lự như đang cố đè nén một cái gì ở trong lòng. Sau đó, ông bỏ uống được vài hôm. Hạ chưa kịp mừng ông lại chứng nào tật nấy. Hạ lắc đầu ngao ngán. Ba anh cứ ngụp lặn trong rượu, vung tay nói khoác và càng trở nên thảm hại hơn dưới con mắt của mọi người. Anh chua chát ngẫm nghĩ: “Tại sao ba anh không được như những người cha khác trong đời, những người đàn ông bảnh bao, sang trọng, chiều chiều dẫn vợ con đi dạo trên phố, thỉnh thoảng ghé vào cửa hàng nào đó mua sắm, ăn uống, tiếng cười nói rộn ràng…”

Bẵng đi gần ba năm, tôi không nhận được tin tức gì về Hạ. Chỉ vì điều kiện sinh sống, tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh làm phóng viên ảnh cho một tờ báo. Những ngày mới vào, tôi gọi điện, nhắn tin thăm hỏi. Rồi bao nhiêu thứ bề bộn cuốn hút, nhiều quan hệ mới được thiết lập, thì giờ của tôi càng ít ỏi, cuộc trao đổi của chúng tôi qua điện thoại thưa dần rồi dứt hẳn. Đôi lúc, còn lại một mình, khi không còn vướng bận điều gì, tôi lại nhớ tới anh. Không biết mối quan hệ giữa cha con anh tiếp diễn ra sao? Tình yêu của anh và Quỳnh Như kết cục như thế nào? Có lối thoát nào cho anh không? Nhưng tôi ngại hỏi thăm anh vì sợ biết đâu mình vô tình khơi dậy nỗi buồn mà Hạ đang cố quên. Cho đến một hôm, tôi về quê dự họ đám cưới một đứa cháu. Việc cưới hỏi xong xuôi, trời xâm xẩm tối, tôi đến thăm Hạ. Vẫn ngôi nhà cũ, đồ đạc bày biện không có gì thay đổi. Gặp tôi, Hạ rất mừng:
- Tưởng không còn gặp anh nữa. Anh về mấy hôm? Chừng nào vào lại trong đó?
- Vài bữa. Sáng mai đi.
Cách mới mấy năm mà trông Hạ đã khác đi nhiều. Gò má nhô cao xương xẩu, mắt thâm quầng, hàng ria lún phún trên mép.
- Trông bộ dạng chú, anh có cảm giác như xa chú đã mười năm.
Hạ cười gượng gạo:
- Em già đi phải không? Nhiều người nhận xét về em như vậy. Anh vào nhà! Hạ giục giã.
Tôi theo Hạ vào phòng khách. Trong phòng treo đầy tranh. Có bức đã hoàn thiện. Có bức mới là phác thảo. Mắt tôi dán vào bức tranh vẽ bán thân một thiếu nữ treo ở vị trí trang trọng. Quỳnh Như! Tôi thảng thốt kêu lên. Nổi bật trên cái màu nền tối là gương mặt sáng đẹp rạng ngời, thanh khiết. Bức tranh thật ấn tượng. Giọng Hạ ngậm ngùi:
- Lần cuối gặp nhau, cô ấy khóc tức tưởi không nói được lời nào. Em biết, cô ấy đau khổ không kém gì em. Hôm đám cưới cô ấy, em không đến dự nhưng có gửi quà mừng. Rồi làm bộ điệu vui vẻ, Hạ lảng sang chuyện khác. Thôi, nhắc làm gì chuyện ấy nữa, anh kể đi, thời gian qua anh sống thế nào?
Tôi nói về nghề nghiệp tạo cho tôi cơ hội đi đây đó, về những chuyện thú vị nơi đất lạ xứ người… Còn anh, anh chỉ nghe, thỉnh thoảng chêm vào một câu cho có. Điều này thật lạ. Trước đây, Hạ đâu có như thế. Tính anh vốn sôi nổi kia mà! Tôi nhìn ra ngoài sân. Chiếc xe ba gác nằm ở cái góc quen thuộc. Ba anh đã về. Nãy giờ sao không nghe tiếng ông. Hồi ấy, mỗi lần tôi tới nhà, dù chếnh choáng, ông vẫn bước ra phòng khách, cười hềnh hệch, vỗ vai tôi nói vài câu xỗ xã. Tôi rất vui với sự thân thiện mộc mạc đó. Tôi hỏi:
- Ba chú không có ở nhà sao?
Gương mặt Hạ bỗng sa sầm lại. Có chuyện bất thường gì đây. Hạ mời tôi lên nhà trên. Vừa bước qua ngạch cửa, tôi sững sờ không tin vào mắt mình nữa. Đập ngay vào mắt tôi là di ảnh ba anh đặt trên bàn thờ.
- Ba em mất hơn một năm rồi.
Bấy lâu nay, tôi vẫn thầm mong một kết thúc có hậu cho Hạ. Nào ngờ, thêm một lần nữa, phải chứng kiến nỗi đau đời của anh. Tôi xin phép anh, bước tới bàn thờ, thắp nén hương. Tấm hình ba anh chụp hồi còn trẻ, đôi mắt giống hệt đôi mắt anh. Đôi mắt người đã khuất hay đôi mắt mang tâm trạng dày vò của Hạ làm tôi xót xa, ngậm ngùi. Hạ lại chỗ chiếc phản. Một cái hộp gỗ hình chữ nhật để sẵn nơi đầu phản. Anh bưng cái hộp rồi mời tôi trở lại phòng khách. Hạ đặt cái hộp lên bàn, giọng buồn rầu:
- Mất Quỳnh Như, lòng em hết sức trống trải, người lúc nào cũng thấy chênh vênh, buông trôi, không phương hướng. Em không thiết bất cứ chuyện gì. Ba lo lắng hỏi, em cáu gắt: “Mặc con! Ba giúp được gì cho con mà hỏi”. Ba buồn. Càng uống rượu. Nhiều trận say bí tỉ. Có khi nằm vất vưởng trên ghế đá công viên, cái nón cời úp lên mặt... Cho đến một hôm, giữa buổi chiều ba đạp xe về nhà. Mặt tái nhợt, nhăn nhó. Tay ôm bụng. Chưa kịp vào nhà, ba ói ra máu tươi. Máu chảy xuống ngực đỏ cả chiếc áo. Em đưa gấp ra bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán bệnh loét dạ dày mãn tính. Bác sĩ còn cho biết bệnh đã phát từ lâu. Thì ra, ba cố giấu em. Chắc vì thái độ tàn nhẫn của em…
Nhìn nét mặt rầu rĩ của Hạ, tôi càng tội nghiệp cho anh. Đành rằng, đời người, cũng có lúc gặp phải nghịch cảnh đau lòng. Nhưng những gì mà Hạ đã chịu đựng thì thật quá sức của anh. Mắt Hạ đỏ hoe. Giọng anh xúc động:
- Hồi ba còn sống, một đêm khuya, em thức giấc, nhà trên còn sáng điện, bên ngoài mưa gió ào ào. Em rón rén bước lên, ba ngồi như cái bóng bên bàn nước. Trước mặt là cái hộp này. Ba nhẹ nhàng mở hộp, lấy ra một cuốn sổ. Ba hí hoáy viết vào sổ. Nét mặt lạ lắm. Chưa bao giờ em nhìn thấy nét mặt ba như lúc đó… Sau khi ba mất, em tìm thấy cái hộp trong tủ đựng áo quần của ba. Trong hộp, vẫn còn nguyên những di vật mà ba một đời ấp ủ.
Hạ mở nắp hộp, cầm ra sợi dây chuyền vàng mặt ngọc, tập album ảnh và một cuốn sổ đã cũ. Hạ nói tiếp:
- Sợi dây chuyền này là kỉ vật ba tặng má ngày đám cưới. Những tấm ảnh ba má chụp lưu giữ thưở hạnh phúc bên nhau. Hạ cầm cuốn sổ lên đưa cho tôi, anh đọc đi, cả đời ba em được ghi lại trong đó.
Mở cuốn sổ, những dòng chữ quệch quạc, chắp nối, không giống như nhật kí. Bởi chủ yếu là những dòng tâm sự: “Má thằng Hạ ơi, tui hứa với má nó không yêu thương ai nữa. Tui ở vậy nuôi con mình khôn lớn. Má nó yên tâm nơi suối vàng”. Đoạn khác: “Tui uống rượu làm khổ con. Nhưng nhớ má nó, tui buồn. Tui không có cách nào khác, chỉ biết quay cuồng trong men say”. Một đoạn nữa: “Thằng con mình đã thành tài rồi. Hôm nay nó lãnh bằng tốt nghiệp đại học. Má thằng Hạ sống khôn thác thiêng phù hộ cho con có công ăn việc làm đỡ cực nhọc như tui…”.
Gấp cuốn sổ lại, lòng tôi bồi hồi xốn xang. Hạ nghẹn ngào:
- Má mất, dù còn trẻ, ba dửng dưng với bao ánh mắt đón đưa. Ba không tục huyền, thân gà trống nuôi em đến ngày trưởng thành. Ba đã giữ đúng lời hứa đó. Em đã hiểu ra, người cha thảm hại ngập ngụa trong những cơn say triền miên lại là người sống chung thủy nghĩa tình nhất trên đời. Anh biết không? Giây phút sắp lâm chung, ba ứa nước mắt nói: “Ba biết, vì ba mà con đổ vỡ hạnh phúc… Ba có lỗi với con… Ba không yên lòng nhắm mắt...”. Trời ơi! Sự ích kỉ như đám mây mù che lấp mắt em để không nhận ra ba là người yêu thương em vô bờ bến. Ba xuôi ngược tảo tần chăm lo cho em đủ mọi thứ, từ hộp bút, bộ cọ đến giàn vi tính cấu hình mạnh đắt tiền để vẽ hình họa mà không phải người sinh viên nào trường mỹ thuật mơ ước đều có được... Ba gò lưng căng sức chở thêm hàng, cuốc thêm chuyến xe đêm, đổ biết bao mồ hôi, nước mắt kiếm từng đồng gom góp mua cho em. Khổ tới đâu ba cũng cắn răng chịu không một lời than vãn.… Vậy mà em lại nghĩ không hay về ba, đã đối xử lạnh nhạt với ba, cáu gắt ba: “Mặc con! Ba giúp được gì cho con mà hỏi”. Suốt đời này, em không bao giờ tha thứ cho mình khi nói câu nói đó. Em thật là kẻ tồi tệ! Giá như em còn có cơ hội chuộc lại lỗi lầm của mình! Em sẵn sàng đánh đổi tất cả mọi thứ để nhìn thấy ba chiều chiều ngật ngưỡng trên chiếc xe ba gác trở về nhà và được nghe ba hát câu cải lương quen thuộc, não nề:“Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi…”
Hạ cúi mặt xuống, hai tay ôm lấy đầu. Bờ vai anh rung rung. Tôi đứng dậy, bần thần, lặng lẽ đi ra cửa. Tôi đi gấp gáp như trốn chạy. Có một điều tôi chưa kể cho Hạ nghe, và có lẽ, không bao giờ tôi kể. Đây là lí do tôi để tâm nhiều câu chuyện về người cha của anh. Bởi Hạ ơi! Cũng như anh, tôi hiện đang có một người cha như thế.


Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

CÕI MÊ


     Cửa hàng điện thoại của Hoạch nằm ở một con đường nhỏ ngoại ô thị trấn nhưng rất đắt khách. Ông chủ cửa hàng hành nghề sửa chữa điện thoại, mua bán các loại điện thoại di động cả mới lẫn cũ, các loại sim, card. Khách hàng cần, sẵn sàng cầm theo giá thỏa thuận. Bạn bè mừng cho việc làm ăn khấm khá của Hoạch. Nhưng cũng có người lo lắng. Hân, nguời bạn thân nói:
- Mày cẩn thận, tao thấy khách đến cửa hàng phần đông là đám choai choai, tóc nhuộm xanh đỏ, mặt mày lầm lì bặm trợn. Tụi nó tới cắm điện thoại lấy tiền chơi bời là chính. Toàn là những đứa liều lĩnh bạt mạng. Mày lại sống một mình, tụi nó để ý, làm ẩu, thì mày chống đỡ làm sao?
Hoạch trả lời:
- Hơi đâu nghĩ nhiều. Mình mua bán đàng hoàng. Giá phải chăng. Không đứa nào dám làm gì đâu.
Một buổi chiều mưa rả rích. Cơn mưa kéo dài tới chạng vạng. Ngoài đường lạnh lẽo không bóng người. Chiếc xe hon đa wave alpha chất ba đỗ xịch trước cửa tiệm. Thằng lái vẫn đội áo mưa ngồi yên trên xe, máy vẫn nổ. Hai thằng xộc vào tiệm.
- Mấy em cần gì? Hoạch hỏi
- Cắm điện thoại.
Một thằng móc túi quần lấy ra cái điện thoại cũ trông giống như cục sắt đưa cho Hoạch. Nó hất mặt hỏi:
- Bao nhiêu?
Cầm cái điện thoại cổ lỗ sĩ trầy tróc loang lổ, Hoạch lắc đầu:
- Cái điện thoại này không cắm được.
- Đ. mẹ. Mày có cắm hay không? Một triệu. Bọn tao chỉ lấy một triệu thôi?
Hoạch hoảng hốt ngó quanh quất cầu cứu. Không có ai. Ánh điện cửa hàng hắt ra một quầng sáng nhạt yếu ớt. Con đường hun hút trong bóng tối. Mưa giăng giăng. Không một bóng người. Hoạch đành cố nói dịu:
- Mấy em thông cảm. Cửa tiệm anh cò con làm gì có một triệu đưa cho mấy em. Hay là mấy em sang cửa tiệm khác vậy.
- Nhiều lời! Mất thì giờ bọn tao. Có đưa không?
Thằng cầm điện thoại xáp lại, Hoạch lùi ra sau. Nó cầm cái lọ thủy tinh đựng thuốc lá và kẹo để trên mặt tủ đập mạnh xuống đất. Xoảng. Mảnh văng tung tóe. Trong lúc Hoạch tái mặt, sợ hãi, nó nhanh như sóc, đi vòng vào phía trong tủ, thò tay vào ngăn kéo đựng tiền hốt một nắm nhét vội vào túi áo khoác.
Cả một ngày làm việc toát mồ hôi, kể cả vốn mới được bao nhiêu đó. Vô cớ mất toi. Tiếc của, Hoạch quên cả sợ, la lớn:
- Cướp! Bà con ơi! Cướp!
Hoạch toan xông tới chỗ thằng cướp tiền thì thằng còn lại đấm một cú vào mặt. Cú đấm làm Hoạch choáng váng, té nhào xuống. Hoạch lồm cồm chưa kịp đứng dậy, nó sấn tới đạp thẳng vào ngực làm anh ngã ngửa ra sau, đầu đập vào cạnh tường ngất xỉu. Bọn nó nhảy lên xe, rồ ga biến mất.


Tỉnh đậy, Hoạch thấy mình nằm trên chiếc giường bệnh viện. Đầu anh đau như có những mũi kim châm chích.
- Con tỉnh rồi. Má lo quá.
- Con nằm bao lâu rồi?
- Hơn một ngày đêm.
Hoạch cố gượng ngồi dậy, má anh chất gối cho anh dựa lưng vào thành giường. Ba anh mất lâu rồi. Chị gái đi lấy chồng xa. Chỉ còn hai mẹ con nương tựa vào nhau. Hoạch chợt lo lắng:
- Cửa tiệm thế nào hở má?
- Má khóa rồi.
- Công an tới làm việc chưa?
- Hôm đưa con đi cấp cứu, ban cán sự khối phố đã báo sự việc lên công an thị trấn. Nghe nói họ đến. Không có chủ nhà, họ bảo chờ con xuất viện về sẽ giải quyết. Thôi, con lo thân con cái đã. Mạnh rồi hãy tính.
Đầu hoạch bị chấn thương, đau nhức, đứng lên ngồi xuống xây xẩm muốn té. Hơn một tháng điều trị, ra viện, Hoạch cố nhớ mặt dò tìm những thằng cướp cửa tiệm. Chúng nó chắc cũng quanh quẩn trong thị trấn này thôi. Cũng chẳng mất nhiều thời gian. Tụi nó vẫn nghênh nghênh phóng xe trên đường phố. Cái mặt chúng vẫn lấc khấc, trơ lì đáng ghét. Hoạch càng thêm căm tức. Anh hỏi tên từng đứa rồi viết đơn gửi đến công an thị trấn.
Hoạch là người cả nghĩ, hay lo. Bất cứ chuyện gì xảy ra liên quan đến mình đều làm cho Hoạch căng đầu nghĩ ngợi. Có khi mất ăn mất ngủ, phát quẩn lên vì chuyện nhỏ rức, đâu đâu. Đơn đã gửi. Hoạch ngày đêm lo lắng. Không biết công an chừng nào sẽ xử? Họ sẽ xử ra sao? Có đem lại sự công bằng cho anh không? Có đền bù thiệt hại vật chất, tinh thần mà anh phải chịu không? Không một ai chia sẻ. Đến lúc này Hoạch mới thấm thía sự cô đơn. Anh nhớ đến chú Thao. Giá mà chú còn sống. Chú mất năm ngoái vì căn bệnh hiểm nghèo. Chú Thao là chú họ của Hoạch và là người mà anh kính trọng nhất. Hoạch thường sang nhà chú chơi. Chú Thao rất mến Hoạch. Chú nói chuyện thời thế nghe rất thích. Nhà cửa chú bề thế sang trọng ở trung tâm thị trấn. Hai đứa con chú đi du học ở nước ngoài. Chú là cán bộ ăn lương nhà nước mà sao giàu như vậy? Không ai biết. Chú không hé miệng kể về việc làm ăn của mình như mấy tay mới phất thường khoe mẽ. Chú sống tốt với bà con, xóm làng. Ai có việc cần, chú sẵn sàng giúp ngay. Đến chỗ công quyền, chú cũng không e ngại. Không riêng gì Hoạch, mọi người coi chú như một mẫu mực. Mỗi khi gặp trắc trở không thể vượt qua, người đầu tiên Hoạch nghĩ tới là chú. Hoạch thở dài. Thêm nữa, thời gian nằm viện, thấy má khổ với mình, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, Hoạch lại buồn. Anh thấm thía sự thiếu vắng bàn tay người vợ. Gần bốn mươi tuổi Hoạch vẫn thui thủi một mình. Thực ra, Hoạch cũng có một mối tình. Người Hoạch yêu là Dung, con gái một gia đình thị dân. Trong lúc Hoạch đang say đắm với tình yêu thì Dung đột ngột nói lời chia tay. Cô ta khóc sướt mướt: “Ba má em ép gả. Em không dám cãi lời. Em có lỗi với anh nhiều. Mong anh tha thứ cho em”. Trông thái độ quả quyết của Dung, Hoạch biết mình đã mất Dung mãi mãi. Ngày đám cưới Dung, nhìn cô vòng vàng đầy người sánh vai với người chồng giàu có bước lên ô tô bóng loáng, lòng anh đau nhói. Dung lấy chồng được mấy năm, bất ngờ, Hoạch nghe tin cô tự tử. Hoạch không biết lí do gì. Anh càng xót xa. Anh chưa bao giờ quên được Dung.
Công an thị trấn mời Hoạch ra lấy lời khai, hồ sơ vụ việc được chuyển lên công an huyện theo thẩm quyền. Thế nhưng, tới nửa năm rồi mà vẫn chưa được giải quyết. Hoạch nhiều lần đến công an huyện hỏi thì được nghe điều tra viên trực tiếp thụ lí vụ việc trả lời quanh đi quẩn lại mấy câu: “Bận đi học, chưa rảnh”, “Đang xảy ra một số vụ trọng án phải tập trung xử lí trước” hoặc là “Từ từ, cần có thời gian tìm đầy đủ nhân chứng vật chứng đã…”. Mỗi lần từ công an huyện về, anh thêm tức tối trong người. Hân ân cần khuyên lơn:
- Mày thôi chuyện kiện tụng đi. Nói cho mày biết thằng đánh mày là quí tử của một sếp đó… Tụi nó quậy phá cả thị trấn này ai cũng biết. Có ai làm gì được tụi nó đâu? Chuyện của mày là cái đinh gì? Nên thua non đi.
Hoạch cự lại:
- Tao đánh bạc đâu mà thua non. Bị ức hiếp, tao kiện.
- Thì mày đã kiện đấy. Kết quả ra sao? Hay chỉ làm khổ mình mà thôi.
Lời khuyên của Hân không phải không đúng. Nhưng Hoạch bỏ ngoài tai vì trong lòng nỗi uất hận càng lúc càng tăng như những con bọ gậm nhắm hủy hoại niềm vui sống từng ngày trong đời. Hoạch sang cửa tiệm cho người khác, dọn về ở với má. Anh nghĩ đi nghĩ lại, tính tới, tính lui tìm đủ mọi phương cách giải quyết, nhưng rốt cuộc không có cách nào ổn cả. Bế tắc. Nỗi u uất làm Hoạch càng héo hắt. Bộ dạng tiều tụy, thảm hại. Dần dần, Hoạch thu mình trong phòng riêng, không tiếp xúc với bất kì ai. Anh ăn uống thất thường, nhiều lần, anh ngồi trong góc phòng, hai tay ôm chặt đầu, miệng lảm nhảm những lời lộn xộn khó hiểu. Nhưng khi nói những lời ấy, gương mặt Hoạch đanh lại, mắt trừng trừng như muốn ăn tươi nuốt sống ai đó. Má Hoạch lo lắng bước lại gần, trỏ vào mình hỏi:
- Con có biết ai đây không?
- Bà tiên! Bà tiên! Cứu giúp tôi với!
- Má con đây mà! Nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo. Con đừng làm má sợ.
Hoạch nắm chặt tay má, giọng van lơn:
- Bà tiên ban phép màu giúp con, giúp con.
Mọi người bảo: “Bị điên rồi, nên đưa đi chữa trị ngay”. Má Hoạch đưa anh vào bệnh viện tâm thần. Vị bác sĩ sau khi khám và làm đủ các xét nghiệm, đã ghi vào hồ sơ bệnh án “Rối loạn stress sau sang chấn”. Bác sĩ giải thích thêm:
- Bệnh nhân phải điều trị theo phác đồ. Cần nhập viện để tiện việc theo dõi diễn biến bệnh.
Tiền Hoạch dành dụm bấy lâu nay giờ tiếp tục đưa ra trị bệnh. Má Hoạch xin cho anh được nằm phòng riêng theo yêu cầu. Tốn kém cũng chẳng sao, miễn Hoạch nhanh bình phục. Phải nói, chăm sóc người bệnh tâm thần vất vả biết chừng nào. Phải canh chừng bệnh nhân thường xuyên. Chung quanh, còn những người bệnh khác với những biểu hiện khác thường. Người nuôi bệnh luôn căng thẳng đề phòng nên càng thêm mỏi mệt. Thời gian Hoạch nằm viện, Hân thường xuyên đến thăm. Thấy má Hoạch đã kiệt sức, Hân ở lại chăm sóc thay. Nhờ y bác sĩ tận tâm điều trị, bệnh Hoạch dần thuyên giảm. Hoạch không còn nói xàm nữa. Nhưng tác dụng của các loại thuốc thần kinh làm Hoạch thường chìm sâu vào những giấc ngủ dài. Theo đó, thường có những giấc mơ đến bất ngờ. Những mảng đời từ nơi nào trong kí ức chợt hiện về. Có lần, Hoạch mơ thấy ngôi nhà anh ở thời thơ ấu vách đất mái tôn lụp xụp trong con hẻm sâu. Ba Hoạch đạp chiếc xe đạp cũ kĩ lóc cóc chở thùng trái cây: cốc, me, ổi, xoài gọt vỏ cắt lát ghim vào que tre ngâm vào thẩu nước đường, đi bán cho học sinh ở các cổng trường. Chiều về, ông dựng vội chiếc xe đạp vào gốc vú sữa, chị em Hoạch chạy ra mừng, ông ôm cả hai chị em nhấc bổng lên hôn lấy hôn để rồi đi vào nhà, lấy những đồng tiền giấy nhàu nát trong túi áo vuốt thẳng thóm, tươi cười đưa cho má anh: “Cất đi, để dành đóng học phí cho con”. Lần khác, Hoạch thấy cùng Hân về quê ngoại. Buổi trưa ngày hè cháy nắng, cả hai ra đồng đắp đất be bờ chặn một khúc mương tát nước bắt cá. Lội bì bõm trên bùn nước, cả hai cong lưng mà vục cái gàu nhựa múc nước tạt qua bên kia bờ. Nước cạn, cá chép, diếc say bùn trồi lên giãy đành đạch trên mặt nước tha hồ vớt. Còn cá rô, trê, tràu rúc sâu xuống bùn, thi nhau mò. Tới chiều, lờ cá đã lưng lửng, hai đứa mặt mày mình mẩy lấm lem bùn đất hớn hở ra về…
Tối hôm đó, Hân lại xuống bệnh viện ở với Hoạch. Sau một hồi tán gẫu cặp mắt Hoạch ríu lại. Anh đang chống chọi cơn buồn ngủ… Hoạch mở mắt ra. Anh đang ở trong một căn phòng rộng trông giống như cái sảnh của một ngôi đình cổ. Những cột tròn sơn son chạm trỗ những hình thù kì quái. Vòm mái cong vút. Chỗ góc phòng lố nhố những bóng người nhìn không rõ mặt ẩn sau làn khói trắng mờ mờ ảo ảo. Gần đấy, chính giữa vách hậu có cánh cửa sắt lớn đang đóng im ỉm. “Mình đang ở đâu thế này?”. Hoạch nói thầm. Bỗng một người trong số đó bước ra, đi lại chỗ Hoạch, giọng quen quen:
- Anh không nhận ra em sao?
- Dung! Hoạch thảng thốt kêu lên.
- Em đây, Dung bước lại gần, gương mặt cô nhợt nhạt, môi run run, cuộc đời em bạc phận, em hối hận vì chuyện ngày trước. Em đã lầm lẫn. Giá như ông trời cho em một cơ hội bắt đầu lại thì em sẽ bất chấp tất cả mà đến với anh.
Giọt nước mắt Dung ứa ra làm Hoạch chạnh lòng. Trong lúc Hoạch đang bối rối, xúc động, một người tầm thước bước tới:
- Thật đáng thương! Cháu phải thông cảm cho hoàn cảnh tội nghiệp của cô ấy.
Chú Thao. Không nhầm lẫn được. Hoạch mừng rỡ như bắt gặp một điểm tựa:
- Cháu gặp tai vạ, bị người ta ức hiếp.
- Oan trái, bất công là chuyện muôn thưở của cõi đời. Thời nào cũng vậy, không tránh khỏi. Thân cô thế cô như cháu đi tìm công lí khó khăn đấy. Đáng tiếc, giờ chú không giúp gì cho cháu được.
- Cháu phải làm sao đây?
- Làm lớn chuyện không có lợi cho cháu, không có lợi cho nhiều người, lại bị kẻ xấu lợi dụng. Cháu nên học chữ nhẫn, hãy nhớ: “Một câu nhịn, chín câu lành”. Cháu biết yên phận thì tránh được mọi phiền phức về sau, cuộc sống cháu mới được bình yên.
Sao chú Thao lại nói với mình như vây? Hoạch chợt nhớ chú với tay sếp kia có quen biết. Một lần, Hoạch thấy hai người vui vẻ cùng vào một nhà hàng sang trọng. Lẽ nào chú Thao…
Hoạch phân vân không dám nghĩ tiếp. Chú Thao nói một cách quả quyết:
- Cháu cứ nghe lời chú đi. Cháu không tin chú sao?
Im lặng. Hoạch nhìn quanh quất như cố nhớ ra điều gì. Anh hỏi:
- Đây là đâu vậy chú?
- Cháu không biết thật sao? Chỗ này là âm phủ. Giọng chú Thao trở nên khô khan, trỏ cánh cửa sắt, chú nói tiếp, cánh cửa dẫn xuống các tầng địa ngục. Chú chỉ vào những cái bóng đứng ngồi ở góc phòng, đó là những hồn ma đã được Diêm Vương phán tội đang chờ mở cửa địa ngục để giải đi.
Hoạch rợn người. Anh ngửi thấy mùi âm khí nặng nề, miệng lắp bắp:
- Chẳng lẽ… chú và Dung cũng… ở trong số đó.
- Đúng vậy, chú và cô ấy đang đợi đến lượt mình.
Sững sờ! Hoạch như không tin vào tai mình nữa. Gương mặt chú Thao và Dung bỗng méo mó đáng sợ. Căn phòng tự nhiên chao đảo. Chú Thao, Dung và những cái bóng ma mờ dần rồi biến mất. Hoạch chới với nhưng cố hét lên:
- Dối trá! Trời ơi! Kinh khủng quá!
Nghe tiếng hét, Hân giật mình ngồi xổm dậy, bước sang giường Hoạch. Trong mùng, Hoạch đang giãy giụa, tay đập xuống chiếu, mồ hôi chảy như tắm. Hân đánh thức bạn:
- Chuyện gì vậy?
Hoạch mở mắt ra, gương mặt anh đang bị kích động:
- Dối trá! Thật không thể tin nổi.
- Ai dối trá? Dối trá chuyện gì?
Bình tĩnh trở lại, không có vẻ gì của một người bệnh, Hoạch kể giấc mơ cho Hân nghe. Xong, Hoạch gằn từng tiếng:
- Tới cửa địa ngục mà còn nói được những lời lẽ như thế.
Hoạch xuất viện về nhà. Vụ việc rồi cũng được đưa ra xét xử. Nhưng, từ khi bình phục, không hiểu sao Hoạch dửng dưng không quan tâm đến vụ kiện ấy. Càng lạ hơn, trên tòa, anh đề nghị giảm nhẹ tội cho những tên ngỗ nghịch đó. Anh ít nói hơn trước, ngại tiếp xúc, các mối quan hệ thưa dần. Hoạch sửa lại mái nhà dột, đỡ đần má từ việc nhỏ đến việc lớn. Điều mà xưa nay Hoạch ít khi làm. Anh xin được chân bảo vệ một công ty sản xuất tư nhân. Má anh vui hẳn lên. Trông bà như trẻ ra. Người ta bàn tán về Hoạch đủ điều, có người cho là do di chứng bệnh tâm thần làm tâm tính anh thay đổi. Có người lại cho rằng Hoạch xuống nước để được yên thân… Hoạch nghe hết nhưng vẫn không nói gì. Anh sống hồn hậu, chan hòa với mọi người như chuyện vừa qua chưa từng xảy ra trong đời .



Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

TUYỆT LỘ


     
    Ngày ấy, ở làng Nam Hạ, Khả Từ là người tính tình hào phóng, thích giao du, kết bạn, lấy lòng thành để đãi người. Khách văn nhân tìm đến đàm đạo chuyện nhân tình thế sự, văn chương thi phú, luận bàn tứ thư ngũ kinh…Có khi đối ẩm thâu đêm suốt sáng. Năm 1813 vua Gia Long mở khoa thi Hương tại kinh đô Huế. Tin ấy về đến Nam Hạ. Khê Thượng, bạn vong niên thân thiết bên bầu rượu túi thơ cũng là người cùng làng nói:
       - Kẻ sĩ bao năm đèn sách chỉ chờ gặp hội long vân. Gặp thời thì bước lên thang mây. Trước đem tài ra giúp vua, báo quốc, sau lập công danh làm rạng rỡ tông đường. Chú đã cố công dùi mài kinh sử thì cũng nên thử sức một phen. Biết đâu có ngày làng Nam Hạ cờ biển rước chú vinh quy bái tổ.
    Bà Cửu Huỳnh, mẹ Khả Từ cũng ân cần khuyên bảo:
         - Mẹ chịu khổ chịu cực nuôi con ăn học chỉ mong có ngày con mở mặt mở mày với đời. Mẹ lo chuẩn bị hành trang, chọn ngày tốt cho con lên đường.
    Vốn là người con hiếu thảo, chàng cung kính đáp:
        - Con xin vâng lời mẹ.
     Khả Từ học thầy Tú trong làng. Thầy văn hay chữ tốt, đỗ cử nhân dưới triều chúa Nguyễn Phúc Thuần nhưng chán cảnh quan trường về mở trường dạy học vui thú điền viên. Tháng ngày chuyên cần học ở nhà thầy, Khả Từ tiến bộ rất nhanh. Thầy Tú hết lời khen ngợi. Thầy có một người con gái tuổi chừng mười  tám, dung mạo xinh đẹp, đoan trang. Nàng tên là Ý Uyên. Khả Từ đem lòng yêu và ngỏ ý với nàng. Ý Uyên cũng đáp lại tình cảm đó. Mối tình ngày càng thắm thiết. Ông Tú rất hài lòng về chuyện tình duyên của con. Ông hứa gả Ý Uyên cho Khả Từ. Hai gia đình đã bàn định xong xuôi, chờ Khả Từ thi xong trở về sẽ tiến hành hôn sự. Có người bảo với ông Tú:
      - Con gái ông thuộc hàng khuê nữ danh giá. Sao lại gả cho kẻ ngụ cư mẹ góa con côi như thế?
    Ông Tú cười đáp:
      - Ta xem bà Cửu Huỳnh từ ngày chồng mất ở vậy mà lam lũ nuôi con ăn học tử tế. Chỉ chuyện đó thôi, đàn ông mấy người sánh được. Khả Từ thông tuệ hơn đời, phong thái nho nhã, con ta được nương tựa là phúc phận má hồng. Mối lương duyên đó không gì tốt đẹp bằng. Còn chuyện dân ngụ cư với bản địa, ta không bận tâm.
    Khả Từ không phải gốc gác ở Nam Hạ. Trước kia, chàng ở làng Vạn. Làng nằm trên một dải đất thoai thoải ngay cửa con sông lớn. Ngược sông có thể tới những buôn làng người dân tộc ẩn khuất giữa chốn đại ngàn. Khả Định, cha của chàng cũng là người có chữ nghĩa nhưng lại thích cuộc sống chân chất của người dân chài. Mẹ chàng có nghề làm nước mắm gia truyền. Nước mắm bà chế biến có mùi vị thơm ngon đặc biệt. Nhờ nghề riêng ấy mà có thêm cái ăn, cái mặc. Lúc này, triều Tây Sơn đến đời vua Cảnh Thịnh rối ren, lòng người lìa tan. Khả Định vốn là người ưu thời mẫn thế, mỗi khi hoàng hôn xuống, rảnh công việc, ông thường ra đứng trên bờ cát dõi mắt đăm đắm ra biển lớn như đang đeo đuổi theo một ý nghĩ nào đó. Năm Đinh Tỵ (1797), quân chúa Nguyễn vượt biển ra đánh thành Quy Nhơn. Một đội thuyền chiếm cửa biển làng Vạn. Viên tướng chỉ huy đội thuyền dẫn một tốp lính tiến vào làng. Ông ta tập họp các tráng đinh nói chuyện. Không biết ông ta nói gì mà Khả Định và nhiều người trong làng hăng hái đi theo. Quân Tây Sơn đánh tới. Viên tướng được lệnh rút quân. Binh lính nhổ trại xuống thuyền. Lúc chia tay, Khả Định nói với vợ:
     - Ta gửi lại nàng đứa con thơ dại. Nàng thay ta nuôi dạy nó nên người. Gánh nặng gia đình ta đặt cả lên vai nàng. Ta ra đi chưa biết chừng nào về. Cầu mong đến ngày sum họp, ta sẽ đền đáp cho nàng.
     Ông quay lại dặn Khả Từ:
    - Con lo học hành chăm chỉ, đỡ đần công việc giúp mẹ, đừng làm mẹ buồn nghe.
   Mẹ con Khả Từ lã chã nước mắt, ngậm ngùi ngồi trên bờ cát, trông Khả Định trên con thuyền lướt sóng ra khơi, con thuyền nhỏ dần rồi mất hút nơi chân trời lam biếc. Ít lâu sau, Khả Định chết trong cuộc thủy chiến ác liệt với quân Tây Sơn tại cửa biển Thị Nại. Nghe tin ấy, bà Cửu Huỳnh khóc vật vã mấy ngày liền. Khả Từ đau đớn không kém…Nỗi đau chưa kịp lắng xuống thì mẹ con Khả Từ phải gạt nước mắt dắt díu ra đi. Bởi làng Vạn nằm ở vị trí xung yếu của cuộc chiến, là cửa ngõ của con đường thủy dẫn tới phủ thành Quy Nhơn. Chiến sự diễn ra liên miên. Nhiều lần, quân chúa Nguyễn bất ngờ từ ngoài biển ập vào. Liền đó, quân Tây Sơn trong đất liền đánh tràn ra… Dân làng phải phiêu tán tránh tai vạ. Mẹ con Khả Từ dẫn nhau đến làng Nam Hạ nương nhờ người em trai của bà đang sinh sống ở đây. Người em tên Thụy, trước là bộ tướng thân tín của Thái phó Trần Quang Diệu. Trong trận hỗn chiến với quân Nguyễn, ông Thụy bị chém đứt lìa cánh tay phải, nên được giải ngũ. Đến Nam Hạ tá túc một thời gian, bà bàn với ông Thụy mở hàng bán nước mắm. Ông Thụy đồng ý ngay. Nam Hạ nằm ngay trên con đường thiên lý nên thuận lợi cho việc đi lại. Thương khách bốn phương chuộng nước mắm của bà tìm tới…Việc buôn bán phát đạt… Cuộc sống khá lên chóng vánh… Bà cất được ngôi nhà nho nhỏ có lối đi giữa những luống hoa…   
     Bấy giờ, khi đã bình định xong thế cuộc, vua Gia Long hạ lệnh trả thù những người từng theo nhà Tây Sơn. Ở Nam Hạ, ông Thụy bị kết tội. Cả nhà ông già trẻ lớn bé bị quan phủ sai quân lôi ra giữa chợ chém sạch. Bà Cửu Huỳnh điếng người, mắt khô khốc, đờ đẫn nhìn gia đình người em đầu rơi máu chảy. Cõi lòng bà tê tái như đông cứng. Bà nom nóp lo sợ cho mẹ con bà. Tai họa đang lởn vởn trên đầu. Giữa lúc căng thẳng đó, thì thật bất ngờ, một người chú họ có chân trong hội đồng kì mục làng Vạn tìm tới trao tận tay bà tờ giấy vàng đóng ấn son của vua ghi rõ công trạng Khả Định và truy tặng ông hàm Chánh cửu phẩm, ban hai tấm lụa đào và mười lạng bạc để bà chăm lo hương khói cho chồng. Tờ giấy sắc phong ấy như tấm bùa hộ mạng bảo vệ mẹ con bà trước sự rình rập, dòm ngó của bọn cường hào ở Nam Hạ. Bởi bọn chúng đang lộng hành tác oai tác quái. Đứng đầu là tên chánh tổng Kiêu. Hắn theo chúa Nguyễn từ thuở còn trai trẻ. Do dốt nát nên cả đời chinh chiến, liều chết lập công, hắn cũng chỉ ngoi lên được chức cai. Khi Nguyễn Ánh đăng cơ, việc binh kết thúc, triều đình ghi nhận công lao bằng việc phong cho hắn hàm Bát phẩm bá hộ. Về Nam Hạ, hắn được các chức sắc của làng trọng vọng. Quan tổng đốc tin cậy bổ nhiệm hắn làm chánh tổng cai quản ba làng: Nam Thượng, Nam Trung, Nam Hạ. Cậy mình có công với triều đình, hắn vênh váo, ngông nghênh, không coi ai ra gì. Ngay cả quan lại địa phương cũng có phần kiêng nể. Trong câu chuyện thường ngày với đám tay chân hắn thường cao giọng:
       - Tao một đời xông pha nơi lằn tên mũi đạn, thân còn mang hàng chục vết thương, đã chịu đến tận cùng cái khổ. Mạng tao lớn lắm mới còn tới ngày này. Giờ đây, tụi bay theo tao, trung thành với tao thì có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Còn nghịch lại thì… hắn rút thanh gươm ngắn đeo bên mình cắm phập xuống mặt bàn, thế đấy!
     Cả bọn đều xanh mặt. Chúng đều biết, chánh tổng Kiêu không họ hàng thân thích. Hồi trai trẻ, hắn một mình tới Nam Hạ lập nghiệp. Lại thêm quãng đời chinh chiến đã cướp của hắn tuổi thanh xuân. Gần tứ tuần mà trông hắn đã lọm khọm như ông cụ. Vì lẽ ấy khiến hắn trở nên ích kỉ, tàn nhẫn. Hắn đã ganh ghét người nào dù chuyện có nhỏ tới đâu đi nữa cũng moi móc, hãm hại cho bằng được. Hắn ngang nhiên kiếm chác, từ việc chiếm đoạt những đám ruộng nhất đẳng điền hoặc việc xử ép những vụ tranh chấp trong vùng để kiếm của đút lót. Oan trái hắn gây ra thấu cả trời nhưng không ai dám ho he…
      Một hôm, ngồi uống rượu bù khú với đám đệ tử thân tín trong đình, hơi men chuếnh choáng, hắn thổ lộ:
      - Tao chừng này tuổi mà vẫn chịu cảnh phòng không. Giá mà tao cũng có được một người vợ cho bớt cảnh quạnh hiu.   
      - Chuyện ấy có gì khó, một kẻ trong bọn nói. Chiến tranh mấy mươi năm, trai tráng phần lớn chết trận. Đàn ông trong làng có kẻ năm thê bảy thiếp. Huống chi ông Chánh là người có quyền thế. Chỉ cần ông Chánh chọn người vừa ý, việc còn lại để chúng tôi lo.    
      - Không dễ như chúng bay nói đâu. Tao nghĩ nát óc rồi mà không ra cách.
     Một tên khác đế thêm:
      - Cả Nam Hạ, Nam Trung, Nam Thượng, ai cũng sợ ông Chánh một phép. Vậy mà có người làm ông Chánh phải nhọc lòng đến vậy sao? Rốt cuộc thì đó là nàng nào?
    Chánh tổng Kiêu thở dài:
     - Con gái lão Tú làng mình.
     - Ý Uyên! Cả bọn tròn mắt kêu lên.
    Chúng kinh ngạc vì không ngờ một cô gái phơi phới, mỹ miều như một bông hoa tươi thắm nhất làng lại chui vào cái đầu hợm hĩnh của chánh tổng Kiêu.
    - Tao cũng đã đến nhà lão Tú dạm ý rồi. Lão ta thẳng thừng từ chối….
  Ông Tú là người khoa bảng, đức độ, làm sao ông chịu gả Ý Uyên cho một gả võ biền thô kệch đáng tuổi cha chú. Với lại Ý Uyên đã có Khả Từ, một đôi thanh mai trúc mã. Việc quả thật khó thành. Cả bọn lơ ngơ chưa biết phải làm sao cho phải. Bỗng một kẻ có tiếng giảo hoạt  kề miệng vào tai hắn thì thào một chặp. Mắt chánh tổng Kiêu bỗng sáng lên:
       - Diệu kế! Thật là diệu kế! Phải rồi! Chỉ tại nó, không có nó thì sự thể biết đâu lại khác. Hừ! Tao không lấy được nó thì tao để yên cho mày ôm ấp nó à? Tao sẽ cho mày biết tay chánh tổng Kiêu này.
    Gả giảo hoạt lại lên tiếng:
       - Phải ra tay nhanh lên kẻo muộn. Để cho nó lên kinh ứng thí là thả hổ về rừng, thả rồng ra biển. Một mai nếu nó đắc chí thì ông chỉ còn đường sắm sửa lễ vật đến khom mình trước mặt quan tân khoa mà chúc mừng thôi.
    Chánh tổng Kiêu nổi tức:
      - Không đời nào! Tao đánh giặc Tây Sơn một đời giờ không phải để cho thằng ranh con đó hưởng thụ dù chỉ một ngày. Hất mặt về phía tên vừa hiến kế, mày lo đầy đủ mọi thứ như vừa nói ban nãy, tao vào dinh quan phủ lập tức. Việc xong xuôi, tao thưởng…
   Chiều hôm đó, mẹ con Khả Từ đang lấy các vật dụng cần thiết bỏ vào tay nải để sáng mai chàng lên đường sớm. Bỗng có tiếng ồn ào ngoài sân. Chánh tổng Kiêu dẫn một đám bộ hạ xộc ngay vào nhà. Tên nào tên nấy gậy gộc gươm giáo sáng quắc. Bà Cửu Huỳnh chưa kịp mở miệng hỏi, chánh tổng Kiêu lớn tiếng:
        - Có người tố cáo nhà mày theo nghịch đảng Tây Sơn. Chúng tao phụng mệnh quan bắt mẹ con mày về phủ đường xét hỏi. Bay đâu trói con mụ này lại.
      Khả Từ thất kinh, bước nhanh tới lấy thân che chở cho mẹ. Chàng nhỏ nhẹ:
       - Có sự lầm lẫn nào đây. Oan cho chúng tôi lắm! Xin ông Chánh nghĩ tình người cùng làng, về bẩm lại với quan tra xét kĩ cho chúng tôi nhờ.
       - Oan à? Hừ! Có oan thì cứ ra công đường mà kêu với quan!
    Hắn chỉ vào mặt Khả Từ:
       - Trói luôn thằng này nữa!
     Đám bộ hạ sấn ngay tới trói gọn mẹ con  Khả Từ. Chàng van xin:
      - Có bắt, ông bắt tôi đây này. Thả giùm mẹ tôi ra! Tôi xin ông!
      - Bịt miệng nó lại, chánh tổng Kiêu thét, lục soát kĩ cho tao.
   Một thằng lấy giẻ nhét vào miệng Khả Từ. Mấy thằng khác xới tung đồ đạc trong nhà, hất cả bài vị Khả Định trên bàn thờ rớt xuống đất vỡ đôi. Tờ giấy sắc phong màu vàng đóng ấn vua rơi bên cạnh. Chúng dẫm bừa lên rách bươm. Nhìn Khả Từ bị trói, bà Cửu Huỳnh muốn nói điều gì đó nhưng không thốt ra lời. Gương mặt mỗi lúc mỗi tái nhợt. Bà ú ớ mấy tiếng rồi tay xụi lơ, chân khuỵu xuống té nằm sóng soài trên nền nhà. Có kẻ khẽ nói:
        - Mụ ta xỉu rồi.
    Khả Từ vùng vằng chực chạy lại chỗ mẹ nhưng không sao thoát được hai cánh tay lực lưỡng của hai thằng người nhà chánh tổng Kiêu đang kẹp hai bên.
        - Kệ nó! Chánh tổng Kiêu khoát tay ra hiệu cho đám tay chân, giải thằng này về phủ trước đã. Chờ mụ kia tỉnh dậy rồi bắt sau cũng chẳng muộn.
     Cả bọn rầm rộ kéo về. Chờ chúng đi khuất, mấy người hàng xóm mới chạy vội vào đỡ bà Cửu huỳnh dậy…
    Ba tháng trời bị giam trong ngục, bị tra khảo, hành hạ, bị bỏ đói bỏ khát khổ sở trăm bề. Nhưng nỗi khổ tâm nhất đối với Khả Từ là chàng không hề biết tin gì về mẹ chàng và Ý Uyên. Lòng chàng nóng như lửa đốt. Mẹ chàng có mệnh hệ gì không? Ai chăm sóc cho mẹ lúc ngặt nghèo? Còn Ý Uyên nữa? Nàng có bị liên lụy vì chàng không? Nàng hiện như thế nào? Đêm đêm, Khả Từ thường trằn trọc không sao chợp mắt. Phần thì lo lắng cho những người thân yêu, phần thì nghĩ mãi không biết vì lý do gì mà chánh Tổng Kiêu lại ra tay tàn độc với mẹ con chàng. Bao nhiêu điều tốt đẹp đang mở ra trước mắt bỗng chốc tối sầm lại như rơi xuống địa ngục. Liệu chàng có thoát khỏi ngục tù tối tăm này? Một đêm như thế, chừng như đã qua canh ba, chàng ngồi trên ổ rơm trông ra cửa ngục. Tên gác ngục ngủ gà ngủ gật. Ngọn đèn dầu trên bàn sáng yếu ớt như ánh ma trơi… Ngọn đèn chợt chao qua chao lại  sáng lóa thành một vừng sáng lạ lùng, thứ ánh sáng lạnh lẽo đến rợn người… Một người đàn ông từ  vừng sáng đó bước ra, đi tới chỗ Khả Từ. Chàng sững sờ như không còn tin ở mắt mình nữa. Miệng lắp bắp:
        - Cha…Là cha thật sao?
        - Ta đây! Khả Định đến trước mặt Khả Từ. Gương mặt phong trần của ông đầm đìa nước mắt. Khả Từ nghẹn ngào:
        - Chúng nó vô cớ làm tình làm tội! Thân con ra nông nỗi này. Còn mẹ không biết ra sao?
     Đôi mắt Khả Định lộ vẻ đau đớn tột cùng:
      - Bọn khốn nạn! Ta tiếc là không thể băm vằm chúng ra cho hả giận. Hồi ấy, ta hăm hở dấn thân là cứ ngỡ sẽ đem lại điều tốt đẹp cho đời. Nào ngờ, lại để bao oan trái cho những người ta thương yêu nhất. Ta chưa làm tròn bổn phận người chồng, người cha. Ta hối hận vô cùng… trầm ngâm một chặp, ông nói tiếp, ta không thể ở lâu với con được. Ta về gặp con là chỉ mong con hãy tha thứ cho ta…. Thôi! Ta phải đi đây.
   Khả Định quay lưng bước vội. Khả Từ kêu to:
      - Cha ơi! Cha ơi!
      - Im ngay! Tiếng quát của tên lính gác ngục làm Khả Từ mở choàng mắt ra. Tên gác ngục giận dữ:
     - Kêu cái gì? Làm mất giấc ngủ của tao. Muốn ăn đòn hả?
    Khả Từ không chú ý thái độ của tên gác ngục. Chàng chằm chằm nhìn ngọn đèn dầu vẫn đang cháy leo lét giữa bốn bức tường nhà ngục tối tăm…  
      Ngày tháng trong ngục kéo dài lê thê. Khả Từ không còn ý niệm về thời gian. Cho đến khi viên đề lại xuất hiện cùng tên cai ngục. Cánh cửa ngục xịch mở. Viên đề lại cười trơ tráo:
       - Quan phủ tha cho mày đấy. Để bắt vào đây một lần nữa là không còn đường sống nghe chưa?
     Ra khỏi nhà ngục, Khả Từ thấy Khê Thượng đợi sẵn bên cỗ xe ngựa. Khê Thượng ra hiệu Khả Từ lên xe. Người xà ích ra roi. Chiếc xe ngựa chạy vun vút về làng Nam Hạ. Khê Thượng vắn tắt:
       - Được sự ủy thác của mẫu thân chú, tôi luồn lót khá nhiều vàng bạc cho tên quan phủ mới lo được việc. Nam Hạ giờ đây lành ít dữ nhiều. Tôi đưa chú về thăm nhà một lát rồi lánh đi ngay. Tôi cũng phải tìm chốn dung thân cho mình.
      - Thế còn mẹ tôi? Khả Từ lo lắng hỏi.
    Khê Thượng thở dài đáp:
      - Hôm chú bị bắt, bà bệnh nặng nằm liệt giường. Tôi mời thầy thuốc tận tình cứu chữa nhưng chỉ cầm cự được ít hôm thì mất.
    Khả từ ôm lấy mặt. Chàng khóc ngất một chặp. Khê Thượng an ủi chàng mãi. Lát sau, chàng hỏi về Ý Uyên. Khê Thượng kể tỉ mỉ chuyện Ý Uyên vào nhà ngục thăm chàng, bị chánh tổng Kiêu thông đồng với bọn lính ngục lừa gạt bắt nàng đem về nhà hắn. Chánh tổng Kiêu đã hãm hiếp nàng. Nhục nhã, Ý Uyên đã gieo mình xuống sông Nam Hạ tự vẫn. Ông Tú đau lòng trước cái chết thảm thương cuả nàng, phẫn uất treo cổ chết theo. Cha con ông Tú được mai táng bên cạnh mộ mẹ chàng… Gương mặt Khả Từ quắt lại… Chàng lặng im như pho tượng. Chỉ còn nghe tiếng vó ngựa lộc cộc đều đều suốt chặng đường về…
     Tới nhà lúc chạng vạng tối, Khả Từ bước vào. Một cảnh tan hoang hiện ra. Khê Thượng giúp chàng dọn dẹp mọi thứ đâu vào đó. Rồi chàng mặc áo xô, đầu chít khăn tang, cầm mấy nén hương cùng Khê Thượng đi ra gò. Trăng thượng tuần nhuốm màu vàng vọt trên bãi tha ma u ám. Khê Thượng chỉ mộ mẹ chàng, thầy Tú và Ý Uyên, những nấm đất đắp sơ sài. Chàng thắp hương khấn vái, rồi quì sụp xuống. Khê Thượng quì bên cạnh. Cả hai cứ quì như thế giờ lâu…Chỉ có tiếng gió xào xạc trên các lùm cây và tiếng ếch nhái kêu thê thiết…Sau lưng chàng, chánh tổng Kiêu cùng đám bộ hạ núp sau mô đất căng mắt nhìn. Từ lúc Khả Từ về làng, hắn cho bọn tay chân theo dõi nhất cử nhất động của chàng. Bởi vậy, nghe tên đàn em báo Khả Từ và Khê Thượng ra gò, hắn liền dẫn bọn tay chân theo ra. Hắn lo lắng Khả Từ và Khê Thượng mưu tính điều gì chăng? Bỗng…từ các ngôi mộ hiện ra những cái bóng trắng. Dưới ánh trăng lờ nhờ, những cái bóng lượn lờ, lướt qua lướt lại, hai tay đưa về phía chánh tổng Kiêu như đòi mạng. Gương mặt những cái bóng lúc ẩn lúc hiện nhưng chánh tổng kiêu cũng nhận ra được: bà Cửu Huỳnh, Ý Uyên, ông Tú…Hồn lạc phách xiêu, hắn muốn bỏ chạy song chân nặng như đeo chì, không nhúc nhích được. Hắn muốn kêu cứu nhưng miệng lại cứng đờ… Những cái bóng chờn vờn sáp lại gần hơn…Chánh tổng Kiêu sởn cả gai ốc, chân tay lẩy bẩy….Chợt hắn hét lên một tiếng rợn người rồi ngã nhào, máu miệng ộc ra nhỏ ướt cả áo. Bọn đàn em thấy thế hoảng hốt đỡ hắn dậy cõng chạy về nhà.
     Sau đêm đó, chánh tổng Kiêu mắc chứng bệnh lạ, lúc tỉnh, lúc mê. Mặt mũi hắn ngẩn ngơ nom đến thảm hại. Đám bộ hạ lui tới ít hôm rồi bỏ mặc. Không ai chăm sóc. Lúc mê mệt, hắn đại tiện ra, phân bôi khắp người hôi thối nồng nặc. Lúc tỉnh, hắn lê bước ra đường. Thấy hắn, ai nấy lo tránh mặt…Dân làng Nam Hạ bắt đầu lưu truyền câu vè:
Nam Hạ có chánh tổng Kiêu. Hại người, trời hại hết điều kêu ca”… Còn Khả Từ. Chàng lặng lẽ rời làng. Không một người nào ở Nam Hạ gặp chàng nữa. Nhưng bốn câu thơ mà chàng viết trên vách tường nhà như lời từ biệt thì dân làng cứ nhắc đi nhắc lại mãi không thôi:
                                       Non sông hề một cõi
                                       Nơi ta về mịt mùng
                                       Ngoảnh đầu trời ảm đạm
                                       Lệ sầu và bão giông

                                                       






Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

BIỂN TÍM



          Mạnh gấp vài bộ quần áo bỏ vào va li, rồi cầm mấy món lặt vặt để sẵn trên giường cho vào ngăn phụ: máy ảnh kỹ thuật số, cục sạc điện thoại, kem bót đánh răng, khăn mặt…Anh đứng tần ngần cố nghĩ xem còn thiếu thứ gì nữa…Mệt óc, Mạnh tự nhủ, tới nơi, nếu cần mua thêm. Anh đậy nắp va li lại. Mạnh được cơ quan cho nghỉ phép mười lăm ngày. Gần đây, trông anh quá mỏi mệt. Quanh quẩn một nhịp sống đơn điệu, tẻ nhạt: công việc nhà nước đều đặn ngày hai buổi, lúc rỗi rảnh thì cà phê, nhậu lai rai với bạn bè tán đủ chuyện trên trời dưới đất: xì căng đan của một sao ca sĩ đồng tính, cầu thủ bóng đá nổi tiếng bán độ, tiêu cực ở cơ quan này, địa phương nọ, đến cả chuyện khủng bố ở Irag, chiến tranh ở Libya, căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên…
     Nhưng nguyên nhân chính làm cho Mạnh suy kiệt là do cuộc hôn nhân thất bại. Như những đám cưới thời Internet, sống với nhau chưa được bao lâu, Mạnh nhận ra giữa hai vợ chồng có nhiều điểm không hợp. Vợ anh mở ki ốt bán hàng mỹ phẩm, thu nhập khá. Cô ta thích cuộc sống hưởng thụ: ăn mặc phô trương, son phấn, tiệc tùng, karaoke, hát nhạc sống… Mạnh to nhỏ khuyên nhủ cũng chẳng ăn thua. Anh cố sức chịu đựng, mong một ngày nào đó có con, vợ anh sẽ hồi tâm chuyển ý. Nhưng sự đời lại không được như mong muốn. Nhất là trong thời buổi điện thoại di động, khẩu trang, nhà nghỉ…Vợ anh lên giường cùng gã đàn ông lắm tiền nhiều của, ăn chơi có tiếng ở thị xã. Tin đồn tới tai, Mạnh gạn hỏi, cô ả trơ tráo, giọng thách thức: “Đúng vậy đó ! Anh muốn làm gì thì cứ làm ! Sống với anh, tôi chán ngấy đến tận cổ. Lấy nhau tới giờ, anh lo được gì cho cái nhà này ? Tiền bạc chi phí cũng một tay tôi cả. Đồng lương còm không đủ lo thân anh nữa là… ”. Mạnh tức nghẹn, không nói được một lời. Khi nay, anh vẫn nín nhịn, chưa hề to tiếng với vợ. Giờ cô ta càng được nước lấn tới. Những ngày tiếp theo, cô ả tiếp tục đi lại với gã kia không còn coi anh ra gì, bất kể tai tiếng... Quá mức chịu đựng, không còn cách nào khác, Mạnh đưa đơn ly hôn. Cô ta xì một tiếng, thò tay cầm bút kí cái rẹt, bộ điệu ngúng nguẩy với lấy cái xắc treo trên móc tường, đi thẳng ra cửa. Mạnh nhìn theo, thở dài,  lòng tê tái. Tình nghĩa vợ chồng đầu ấp tay gối bấy lâu nay không có chút ý nghĩa gì với người đàn bà đó…
     Buồn. Mạnh sa đà vào bia rượu. Uống triền miên. Có khi say mèm. Bạn nhậu phải đưa về. Sáng hôm sau gật gà gật gưỡng đến cơ quan, bị trưởng phòng nhắc nhở. Bạn bè khuyên “ Mày sao thế ? Đau khổ vì con đàn bà hư đốn à ? Quên phức nó đi” Quên ! Mạnh cũng muốn lắm. Giá mà anh có thể quên được một cách dễ dàng. Ông Chủ tịch công đoàn vốn thân tình, gặp riêng anh nói:
           - Cậu coi chừng bị stress đó. Xin nghỉ phép đi, thay đổi không khí một chuyến.
           - Tôi đi cũng được, nhưng còn công việc…
           - Lại công việc, ông Chủ tịch công đoàn ngắt lời, cậu tưởng không có cậu, công việc cơ quan đình trệ chắc? Không mợ thì chợ vẫn đông. Sếp sẽ bố trí người làm thay phần việc của cậu. Yên tâm đi.

 

       Mạnh chọn địa điểm cho kì nghỉ là quê ngoại, một cái làng ven biển. Từ thị xã anh ở đi xe máy đến đấy, tốc độ bình thường mất gần hai giờ. Ông ngoại mất từ lâu. Còn bà ngoại đang sống với vợ chồng người cậu. Tuổi thơ của anh cũng đã từng gắn bó với nơi này. Hồi còn đi học, vào dịp nghỉ hè, Mạnh thường về quê chơi với đám bạn nhỏ, đi dạo dưới hàng thông lưa thưa, gió vi vu, đuổi bắt còng trên bãi cát trắng ven bờ biển… Quê ngoại đã trở thành một vùng du lịch nổi tiếng. Mạnh lái xe máy chạy trên con đường tráng nhựa phẳng lì. Chỗ này, Khách sạn Hương Biển tráng lệ, chỗ kia, nhà hàng đặc sản, quán cà phê giải khát giăng giăng …Mạnh rẽ vào một xóm chài cũ kĩ trông như cách biệt với khu du lịch hiện đại mới mọc lên. Nhà ngoại đây rồi. Mạnh dắt xe qua cổng, vào khoảng sân rộng. Một đứa bé trai chừng hơn mười tuổi, da đen nhẻm, bước nhanh qua bậc cửa đứng trên thềm, cười tít mắt. Mạnh nhận ra  thằng con út của cậu anh. Bà ngoại, cậu mợ cùng ra theo. Ngoại hấp háy đôi mắt, nheo nheo nhìn anh:
   

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

THÁNG CHẠP VẮNG ANH


         Từ lúc anh rời bỏ cuộc chơi với bằng hữu ra đi mãi mãi, cuộc sống ồn ào, xô bồ vẫn trôi qua từng ngày theo nhịp bước thời gian. Những người bạn, người em của anh ngồi lại với nhau bên ly cà phê đắng, bên ly rượu cay nồng, trong một giây phút tĩnh lặng nào đó bất giác ai nấy đều có chung cảm giác, anh vẫn còn đâu đây. Gương mặt, lời nói, nụ cười khinh bạc của anh trước bao sự lố lăng của cuộc đời vẫn còn nguyên đó. Buổi chiều tan tầm, không ai còn thấy anh phơi phới râu tóc lái chiếc xe Hon Đa cũ kĩ xuôi trên con đường Lê Hồng Phong phường Bình Định. Nhưng giọng đọc ấm áp của anh trên đài truyền thanh thì với bạn nghe đài thị xã An Nhơn biết thuở nào quên. “ Bình Râu”, cái tên thật bình dị, quá đỗi thân thương với những người yêu mến anh. Một người chưa bao giờ cho mình là nghệ sĩ nhưng lại nghệ sĩ hơn biết bao kẻ tự xưng nhà nọ nhà kia…Một người luôn sống hết mình với bạn bè dù trong bạn bè không phải ai cũng cùng chung ý nghĩ. Một người luôn bao dung với thế hệ đi sau dù đôi lúc những đứa em  gây cho anh điều phiền muộn. Một người vào tận Sài Gòn đối mặt với nỗi đau đớn bởi căn bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn canh cánh “ Nhành lan tím, góc sân quen” của quê hương máu thịt. Một người chưa bao giờ làm thơ để trở thành nhà thơ nhưng đã để lại trong lòng người những vần thơ xúc động. Một lối sống ngay thẳng, thủy chung, có trách nhiệm, anh như cây thông hát mãi khúc ru làm đẹp cho đời. Có nhũng người nói bao điều lớn lao nhưng rồi ra lại hóa thành tầm thường vô vị. Ngược lại, có những người sống lặng lẽ bình thường, nhưng khi mất đi, niềm thương tiếc trào dâng biết lúc nào phôi pha. Từ qui luật muôn đời ấy, có thể nhận ra, dù anh đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng một điều chắc chắn rằng, anh không bao giờ mất đi trong lòng bạn bè, người thân còn ở lại

                                                                                          
KHÔNG ĐỀ
Nhẹ như làn gió thoảng
lướt qua chốn phù hoa
còn chút hương để lại
với đời không phôi pha
một chút hương thanh khiết
sáng trong giữa đời thường
đẹp như tình bằng hữu
mãi mãi đến vô thường
                           P H H

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

GÓC QUÊ ÊM ĐỀM



          Ông Hạn rất thích chơi cây cảnh. Thú chơi này đã thấm vào máu ông. Bởi vậy, từ lúc về hưu, ông luôn quẩn quanh bên những chậu cây cảnh trong vườn. Khi cùng bạn bè chén tạc chén thù, ai khơi đề tài này, ông rất hào hứng, nói không biết chán. Không ít lần ông nói như thể muốn chia sẻ niềm đam mê của mình mặc dù có lúc người nghe không có hứng thú muốn nghe. Vợ ông đã mất. Đứa con trai độc nhất là Lập Thành đang làm ở một công ty lớn trong Thành phố Hồ Chí Minh. Nó quyết chí lập nghiệp ở trong đó. Thỉnh thoảng, vợ chồng con cái đưa nhau về thăm ông vài hôm. Ông tự nhủ, Lập Thành đã trưởng thành, cứ để nó tự quyết định cuộc sống. Ông không buộc nó phải về ở với ông. Vợ nó mở cửa hàng bán đồ trang trí nội thất, thu nhập cũng khá. Lần về gần nhất, Lập Thành nói với ông :
        - Ba ở ngoài này, con không yên lòng. Tuổi già như ba cần có người chăm sóc. Khi tối lửa tắt đèn lỡ xảy ra chuyện gì, một mình ba thì biết làm sao ? Con tính thế này, ba vào ở với vợ chồng con. Con sẽ lo cho ba đầy đủ.
     Ông ầm ừ cho qua chuyện. Thằng con ông nó tính cũng phải. Tuổi già, ông không nương tựa vào nó thì trông chờ ai ? Ngặt nỗi, từ bỏ mảnh đất này để ra đi là điều ông không đành lòng. Một đời ông đã sống ở đây. Ông là trưởng tộc, có trách nhiệm lo cúng giỗ, trông coi mồ mả ông bà. Cả phần mộ người vợ hiền thảo một đời gắn bó. Còn bao nhiêu thứ khác nữa như những sợi dây vô hình níu kéo và ông không thể nào dứt bỏ dễ dàng. Ông nhìn ra vườn. Những chậu cây cảnh ông đã dày công chăm sóc. Đủ các loại : sanh, mai, bồ đề… đủ mọi dáng thế. Ông ghép cây sanh vào đá san hô tạo thành non bộ rồi đặt vào hồ nước nhỏ. Ông thả vào hồ các loại cá cảnh : chép Nhật, Trân Châu, hồng kiếm…Những chú cá bơi nhởn nhơ dưới làn nước trong veo trông thật thích mắt. Một dạo, sốt giá cây sanh, thương lái vào vườn nhà ông. Với con mắt nhà nghề, họ quan sát, săm soi từng chậu, rồi dừng lại mấy chậu ông quý nhất. Có chậu ông cắc ca cắc củm làm đất trồng từ lúc còn cây con cả chục năm trước. Họ chộn rộn ra giá.
         - Bao nhiêu ? Ông phát đi. Tụi này còn tính.
      Tiền thì cần thật đấy. Nhưng… sau một lúc đắn đo, ông đáp :
          - Để tôi coi lại đã, khi nào bán tôi sẽ gọi.
          - Nhanh nghe. Đây, số điện thoại. Tụi này chờ. Để chậm rớt giá, chừng ấy tha hồ tiếc.
      Lúc nhậu lai rai, biết chuyện, bạn ông có người khuyên nên bán đi vài chậu kiếm ít tiền dưỡng già. Ông uống cạn ly rượu, giọng khề khà :
         - Nghĩ cho cùng, cây cũng như người, càng gần gũi, càng gắn bó. Yêu cây không chỉ vì cây đẹp, mà nó như một tri kỉ. Bán đi là mất. Tiếc quá ! Thôi, thà sống chật vật một chút, như từ trước tới giờ cũng có sao đâu.
 
     Có người  bảo ông hâm, gàn dở. Ông không trách. Chín người mười ý. Trước kia ông dạy tiểu học. Niềm vui của ông gắn với các em học sinh, với đồng nghiệp, trường lớp. Hồi ấy, đồng lương ít ỏi, ông phải cật lực làm thêm đủ việc để nuôi Lập Thành đến ngày tốt nghiệp đại học. Lập Thành  học hành chăm chỉ,  cần cù chịu khó, không phụ công khó nhọc của ông. Bây giờ, đã thư thả, ông tìm niềm vui ở một góc quê với công việc tưới cây, tỉa cành, trừ sâu… Đồng lương hưu đủ hai bữa cơm đạm bạc sống qua ngày.
    Buổi tối hôm đó, như thường lệ, cơm nước xong, ông lên võng nằm coi truyền hình. Hết chương trình thời sự địa phương, ông tắt máy đi ngủ sớm. Nằm chưa yên trên giường, bỗng nhiên ruột ông quặn đau, từng cơn nối tiếp. Ông cố gượng lại chỗ tủ thuốc gia đình, lấy mấy viên thuốc uống rồi lấy chai dầu gió xoa khắp vùng bụng. Cơn đau càng lúc càng tăng. Ông lăn lộn, quằn quại. Chưa bao giờ ông đau như thế này. Trời mỗi lúc một  khuya. Chừng không chịu nỗi nữa, ông rút cái điện thoại di động bấm số người em ruột tên Bàng ở gần đó. Tiếng đầu dây bên kia. Ông lắp bắp : “ Chú qua…gấp. Anh đau…quá…”. Mặt mày xây xẩm… Chiếc điện thoại rơi xuống gối…
      Mở mắt ra, Ông quan sát chung quanh. Lạ lẫm. Phòng cấp cứu bệnh viện. Giường ra trắng toát. Các cô điều dưỡng đẩy xe thuốc đến các giường bệnh. Một thiếu phụ ngồi trên chiếc ghế nhựa đỏ mé chân giường khẽ kêu lên :
        - Ba…ba tỉnh rồi. Con lo quá.
     Nhận ra con dâu giữa lố nhố bóng người, ông thều thào hỏi :
- Con về hồi nào ?
     Người con dâu kéo ghế lại gần ông hơn, nhỏ nhẹ :  
- Chiều hôm qua ba ạ.
- Con đi bằng gì ?
- Con đi máy bay. May mà có chuyến bay trong ngày.
- Ba nằm viện bao lâu rồi ?
- Ba đã nằm hai ngày đêm.
- Chồng con có về không ?
- Dạ, ảnh mắc việc công ty, sẽ thu xếp về sau.
        - Ba đỡ rồi. Con điện cho nó khỏi về cũng được. Để nó lo công việc. À ! Bác sĩ bảo ba bệnh gì ?
     Người con dâu cầm bệnh án treo ở đầu giường đưa cho ông xem. Ông đọc lướt qua : ngộ độc thức ăn, cao huyết áp, máu nhiễm mỡ. Ông thở dài. Tuổi già,  khám ra thì đủ bệnh. Biết làm thế nào được. Tội cho con dâu, phải nghỉ việc buôn bán về lo cho ông. Khi sức khỏe ông đã khá hơn, tự lo liệu được, ông bảo  con dâu về được rồi. Về còn trông coi cửa hàng. Bỏ lâu không tiện. Trước khi đi, người con dâu nài nỉ :
        - Ba nghĩ coi. Trẻ cậy cha, già cậy con. Bệnh của ba phải điều trị dài ngày, sống một mình, ba sẽ xoay sở như thế nào ?
     Thằng con ông lại gọi điện về thúc giục ông luôn. Trận đau bất ngờ vừa rồi và diễn biến bệnh tình làm cho ông không còn sự lựa chọn nào khác. Ông phải theo lời con. Nhưng trước khi đi, ông phải làm cho xong hai việc. Một là ông sẽ tháo dỡ gian nhà trên vốn đã ọp ẹp, xuống cấp để xây lại thành nhà từ đường khang trang tiện việc hương khói ông bà. Thế hệ sau có nơi nối tiếp công việc thờ tự. Hai là gửi nhà cửa, vườn tược cho người em trông nom để có chỗ ông quay về lúc lễ tết, giỗ chạp. Việc thứ hai ông dễ thu xếp ổn thỏa. Nhà chú Bàng chật chội, con đông, con trai lập gia đình vẫn ở chung với cha mẹ vì chưa có điều kiện ra riêng. Ông đề nghị chắc sẽ được chấp thuận. Nhưng muốn làm việc thứ nhất thì phải có tiền. Số tiền ông gom góp, dành dụm khi nay không đủ cho chi phí đó. Có lần, Lập Thành nói với ông, ba có khó khăn gì, cứ bảo con. Ông để ngoài tai vì đinh ninh cuộc sống mình cũng tạm đủ. Nhưng giờ ông phải nhờ nó giúp thực hiện ý nguyện của mình. Mà vấn đề tế nhị đó, ông không thể nói qua điện thoại được. Ông vào thành phố gặp trực tiếp nó thì hơn. Vừa thăm con cháu, vừa nhân tiện coi cái chỗ ông sẽ gắn bó với phần đời còn lại như thế nào. Trước kia, ông cũng đã mấy lần vào đấy, ngày vợ chồng Lập Thành về nhà mới. Rồi thôi nôi cháu nội… Những lần ấy, dù ở nhà con nhưng ông có cảm giác của một người khách trọ.